Doanh nghiệp không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính bị phạt bao nhiêu tiền? Nôi dung giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp có gồm địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp hay không?
1. Doanh nghiệp không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo quy định tại điểm khoản 2 Điều 52 Nghị định 122/2021/NĐ-CP có quy định xử phạt về hành vi không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính cụ thể:

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên công ty;

b) Không lập sổ đăng ký thành viên, sổ đăng ký cổ đông phát hành cổ phiếu;

c) Không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, không viết hoặc gắn tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh;

d) Không lưu giữ các tài liệu tại trụ sở chính hoặc địa điểm khác được quy định trong Điều lệ công ty.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc miễn nhiệm chức danh quản lý của người không được quyền quản lý doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Buộc miễn nhiệm chức danh Giám đốc (Tổng Giám đốc) đối với người không đủ tiêu chuẩn và điều kiện đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

c) Buộc cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên công ty theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

d) Buộc lập sổ đăng ký thành viên, sổ đăng ký cổ đông theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

đ) Buộc gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, viết hoặc gắn tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

Theo đó, doanh nghiệp không gắn tên rteen doanh nghiệp tại trụ sở chính có thể bị xử phạt từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả phải gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính theo quy định.

Lưu ý: Mức phạt tiền quy định trên là mức phạt áp dụng đối với tổ chức. Trong trường hợp cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

(Căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP)

2. Nôi dung giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp có bao gồm địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp hay không?
Tại Điều 23 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định về nội dung giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên doanh nghiệp;

2. Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, số điện thoại; số fax, thư điện tử (nếu có);

3. Ngành, nghề kinh doanh;

4. Vốn điều lệ; vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân;

5. Các loại cổ phần, mệnh giá mỗi loại cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại cổ phần đối với công ty cổ phần;

6. Thông tin đăng ký thuế;

7. Số lượng lao động dự kiến;

8. Họ, tên, chữ ký, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, thông tin giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh của công ty hợp danh;

9. Họ, tên, chữ ký, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, thông tin giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.

Theo đó, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp được quy định là một trong các nội dung chủ yếu phải có trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo quy định.

3. Doanh nghiệp có các quyền gì theo quy định pháp luật?
Tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định về quyền của doanh nghiệp cụ thể như sau:
 

Điều 7. Quyền của doanh nghiệp - Luật Doanh nghiệp 2020

1. Tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm.

2. Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.

3. Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn.

4. Tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng.

5. Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.

6. Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

7. Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh; được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

8. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp.

9. Từ chối yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật.

10. Khiếu nại, tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

11. Quyền khác theo quy định của pháp luật.